Chuyên mục Kỹ năng làm cha mẹ - Tham vấn tâm lý cho trẻ

10/09/2009

Chia sẻ bài viết:

Trong những trường hợp nhất định, sự xuất hiện của nhà tham vấn chuyên nghiệp là điều cần thiết. Tuy nhiên, tại sao cha mẹ không phải là nhà tham vấn cho con, khi trong thực tế việc tiếp cận những dịch vụ tham vấn thường không dễ dàng.

Bích Phượng - học sinh lớp 6, cảm thấy chán nản sau khi bị điểm kém môn Toán. Sau buổi học, Phượng về nhà với cặp mắt đỏ hoe. Nghe giọng nói và nhìn vẻ mặt của con gái, mẹ đoán ngay "có chuyện không ổn". Nhẹ nhàng, mẹ Phượng bảo: "Nếu con cảm thấy không khỏe cứ vào nghỉ rồi ăn cơm sau cũng được. Khi nào cần mẹ, cứ gọi mẹ nhé”.

Có thể nói, đây chỉ là một gam màu phổ biến trong vô vàn "màu sắc nỗi buồn" của con trẻ. Sẽ không ít hơn chục lần trẻ con cần có người chia sẻ ở tuổi dậy thì. Nếu trẻ tin cậy cha mẹ, hiểu rằng cha mẹ sẽ giữ bí mật cho mình, thì trẻ sẽ tâm sự; nếu trẻ biết cha mẹ sẽ lắng nghe mình để chia sẻ mà không chụp mũ, thì trẻ sẽ mở lòng; nếu trẻ biết cha mẹ sẽ cùng phân tích với mình để đưa ra giải pháp và nhường cho mình quyết định, thì trẻ sẽ không e dè hay tránh né... Nếu bạn làm được những điều này, bạn đã trở thành nhà tham vấn cho con.

Quay trở lại tình huống của bé Phượng ở trên, chỉ cần một hành động gõ cửa được chấp nhận, một cái gục đầu vào vai mẹ, một vòng tay của mẹ hoặc thậm chí là một dòng nước mắt của con thì có thể xem là việc hỗ trợ đã thành công. Giải tỏa được những ấm ức, hẫng hụt là lúc trẻ cảm thấy nhẹ nhõm, dễ chịu để có thể tư duy tích cực hơn trong cuộc sống.

Để trở thành nhà tham vấn cho con, chắc chắn những kỹ năng như kỹ năng thấu cảm, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng chia sẻ - động viên là điều không thể thiếu. Những yêu cầu này nhất thiết phải được cha mẹ ý  thức và rèn luyện.

Thực tế cho thấy, trong việc tham vấn tâm lý nói chung và tham vấn cho con thì tham vấn những nỗi buồn bao giờ cũng chiếm con số áp đảo. Muốn tham vấn được nỗi buồn của con cái, cha mẹ phải ý thức được nỗi buồn của con theo nguyên tắc thấu hiểu, cha mẹ phải đồng cảm và thông cảm với nỗi buồn của con, biết cách động viên và chia sẻ cùng con để giải quyết những nỗi buồn tạm thời, nỗi buồn vô cớ hay cả với nỗi buồn có nguyên nhân rõ ràng.

Ở một góc độ khác, khi tham vấn cho con, không nhất thiết phải luôn giữ thái độ khách quan tuyệt đối nhưng cũng đừng vội bỏ quên nguyên tắc gầy dựng niềm tin với thân chủ. Nếu trẻ tin rằng cha mẹ lắng nghe, cha mẹ sẽ không nhạo báng, la mắng hay đánh đập, cha mẹ sẽ chấp nhận mình dù ở hoàn cảnh nào, thì trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ chính là những "chuyên gia tâm lý” hoàn toàn đáng tin cậy để chia sẻ, tỏ bày...

Đáp ứng những đòi hỏi này xem ra không dễ nhưng chắc chắn nhiều phụ huynh đã thực hiện được. Cha mẹ muốn dạy con nên người, trước hết phải được con chọn mình là nhà tham vấn, dù "chuyên gia" này chỉ chiếm một "góc" nhỏ trong cuộc sống của trẻ.

 

TS Võ Văn Nam
(Phụ Nữ TPHCM - ngày 8/9/2009)

Nội dung cần tìm
  • Tất cả
  • Giải pháp bảo hiểm
  • Dịch vụ khách hàng
  • Tin tức
  • Tuyển dụng

Có phải bạn muốn tìm về

Tìm kiếm của bạn gần đây

Bạn có thể quan tâm: