Chuyên mục "Kỹ năng làm cha mẹ" - Nói không với con

14/07/2009

Chia sẻ bài viết:

Mẹ vẫn kiên nhẫn: "Con đã có nhiều đồ chơi rồi. Mua thì chỉ chơi được vài ngày rồi lại vứt lung tung". Ngay lập tức, cu cậu giậm chân, hét toáng lên và lăn đùng ra đất. Mẹ cậu đành chào thua, lẳng lặng lấy tiền chi trả...

Thực tế cho thấy, việc nói không với con ngày nay đã trở thành thách thức quá lớn đối với nhiều bậc phụ huynh. Không ít bậc cha mẹ phải xuống nước hoặc buồn bã đồng ý đáp ứng nhu cầu con trẻ chỉ vì không thể nói không. Điều này đang thực sự khiến con trẻ không quen với những lời không đồng ý, sự bị từ chối... Khi quen dần với thói vòi vĩnh, trẻ luôn cho rằng mình phải được phục vụ và không đủ bản lĩnh để chấp nhận những thất bại hay những ý kiến trái ngược với suy nghĩ của mình trong tương lai.

Không chỉ là trẻ nhỏ ở độ tuổi mầm non, mà ngay cả những trường hợp khác cũng cho thấy, nhiều phụ huynh làm hư con mình từ rất sớm. Họ trở nên yếu thế khi không thể từ chối những yêu cầu quá đáng của trẻ. Theo nguyên lý của thuyết nhu cầu thì bao giờ cũng vậy, nhu cầu của con cái sẽ gia tăng không ngừng. Sẽ rất khó hãm phanh nếu cha mẹ cứ đáp ứng và không biết nói không với con. Để giải quyết vấn đề này, các bậc cha mẹ cần chú ý rèn cho trẻ một thói quen tích cực nhờ việc từ chối những yêu cầu của chúng.

Thứ nhất, hãy tập cho trẻ hiểu rằng, những món đồ chơi mà cha mẹ tặng hay cả những chuyến nghỉ hè... là kết quả của tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con. Đừng vì quá thương con hay xuất phát từ ý nghĩ bù đắp, hy sinh mà tạo cho con mình thói quen không tốt.

Thứ hai, cần có quyết sách cứng rắn trong những trường hợp nhất định. Khi con cái đòi hỏi quá đáng hoặc có thái độ vòi vĩnh, cha mẹ cần thực sự quyết đoán khi nói lời từ chối. Chính thái độ quyết liệt rõ ràng của cha mẹ sẽ giúp trẻ hiểu rằng, sự đòi hỏi của mình là chưa hợp lý. Đặc biệt, khi đã kiên quyết nói không với con thì đừng vội vàng xót xa, tội nghiệp hay lại có thái độ điều chỉnh theo hướng chuộc lỗi.

Thứ ba, giúp con hiểu được những giới hạn nhất định trong nhu cầu của mình. Trong những trường hợp cần thiết, cũng nên giải thích để con hiểu hoàn cảnh thực tế của gia đình, về khả năng kinh tế của cha mẹ cũng như những nỗi lo khác. Tùy từng độ tuổi mà có những lời giải thích hay sự phân tích vừa phải và phù hợp. Ngoài ra, việc sử dụng biện pháp nêu gương cũng là một trong những tác động giáo dục khá hữu hiệu. Điều đó còn giúp con cái hiểu rằng, việc cha mẹ nói lời từ chối vẫn dựa trên cơ sở vì tình thương, vì trách nhiệm, chứ không phải là không quan tâm, ghét bỏ.

Thứ tư, để hình thành kỹ năng nói không với con cũng như sử dụng kỹ năng này, cha mẹ cần vượt qua những áp lực của nhóm đông hay của bạn bè, hàng xóm. Thực tế cho thấy, việc ám thị đám đông thường thôi thúc các bậc cha mẹ quan tâm đến con theo kiểu phải "bằng chị, bằng em".

Nói không với con không chỉ giúp con biết điều chỉnh mình trong hiện tại, mà thực sự đó là một "lộ trình" lâu dài được hoạch định sẵn cho trẻ trong tương lai.



TS. Huỳnh Văn Sơn

(Phụ Nữ TPHCM - ngày 14/7/2009)
Nội dung cần tìm
  • Tất cả
  • Giải pháp bảo hiểm
  • Dịch vụ khách hàng
  • Tin tức
  • Tuyển dụng

Có phải bạn muốn tìm về

Tìm kiếm của bạn gần đây

Bạn có thể quan tâm: