Chuyên mục Kỹ năng làm cha mẹ - Làm bạn với con

18/08/2009

Chia sẻ bài viết:

Trong nhiều trường hợp giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ không thể bình tâm trò chuyện hay lắng nghe con, lại càng khó điều chỉnh ngôn ngữ của mình sao cho thích hợp. Kết quả là cuộc trò chuyện bị cắt đứt, mối quan hệ bị phá vỡ và việc làm bạn với con trở thành món ăn khó kiếm hơn cả "gan trời", theo suy nghĩ của không ít bậc phụ huynh.

Quan điểm "làm bạn với con" cũng không hẳn nhận được sự đồng ý hoàn toàn của các bậc phụ huynh thời nay vì không phải ai cũng suy nghĩ "thoáng" về vấn đề này. Một số phụ huynh còn cho rằng: sao lại làm bạn với con khi mình là cha là mẹ, con phải nghe lời, phải sợ và nể mình mới đúng... Tuy nhiên, thực chất của chuyện làm bạn ở đây không có nghĩa "cào bằng" hay "cá mè một lứa" mà là sự làm bạn rất tinh tế, là để giữ được sự thân thiện, làm giảm đi khoảng cách giữa hai thế hệ và tạo sự thoải mái, chân tình nhằm sẻ chia, tâm sự... Nếu làm bạn như thế thì tại sao lại không, khi những mâu thuẫn sẽ dần được giải quyết, những hiểu lầm được giảm tối đa, những bí mật được giãi bày một cách thân tình, những biến cố trong cuộc sống được cả hai phía cởi mở để được giúp đỡ và cùng nhau vượt qua?

Để làm bạn với con, kiểu nói chuyện phủ đầu khi trò chuyện với con như tình huống trên không thể có chỗ đứng. Thay vào đó là phải lắng nghe con, hỏi han quan tâm con để động viên... Hãy trao niềm tin và nghị lực để trẻ cố gắng hết sức thay vì cứ quy định hay đặt tiêu chuẩn là như thế. Làm bạn với con đòi hỏi cha mẹ cần chú ý những điều sau đây:

- Đến với con bằng suy nghĩ: con mình cũng là một cá thể. Việc hai cá thể có những suy nghĩ khác nhau là chuyện hết sức bình thường.

- Chủ động chuyện trò với con những vấn đề mình đang gặp phải, những vấn đề xảy ra ở gia đình mình chứ không hẳn chỉ hỏi chuyện của con. Nên giúp trẻ thấy vai trò của trẻ như là một người bạn sẻ chia, một thành viên có trách nhiệm.

- Tôn trọng con và chấp nhận những khoảng không bí mật của con cái.

- Giữ những thói quen thân ái và chăm sóc cho nhau một cách thường xuyên. Mỗi ngày có thể dành ít nhất một giờ để chuyện trò, làm bạn cùng con thông qua những hoạt động chung, hoạt động vui chơi - giải trí hay thể dục thể thao.

- Khuyến khích con chủ động chia sẻ để cha mẹ và con cái tâm tình với nhau một cách tích cực. Tạo cơ hội cho con cái tự quyết định, cha mẹ chỉ tham vấn.

- Thật sự bao dung ngay cả trong những trường hợp con bị thất bại, sai lầm. Sự bao dung hay sự chấp nhận này là tạm thời để hướng đến một sự điều chỉnh thích hợp về sau.

- Hạ bớt cái tôi của mình, tạo cho con cảm giác thân tình thực sự khi trò chuyện. Khi cần, giả thua con hay giả "ngây ngô” cũng là biện pháp hữu hiệu.

- Cố gắng điều chỉnh ngôn ngữ trò chuyện, dẹp bớt thói quen gia trưởng hay "chỉ đạo". Điều này sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình bạn đích thực chứ không phải là tình bạn ngụy tạo.

Làm bạn với con là bài toán khó nhưng vẫn có lời giải nếu mỗi người nỗ lực hết mình bằng sự điều chỉnh nhất định trong quan niệm cũng như trong sự ứng xử với con cái. Làm bạn được với con, các bậc cha mẹ sẽ cảm nhận được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống gia đình.

 

TS Huỳnh Văn Sơn
(Phụ Nữ TPHCM - ngày 18/8/2009)

Nội dung cần tìm
  • Tất cả
  • Giải pháp bảo hiểm
  • Dịch vụ khách hàng
  • Tin tức
  • Tuyển dụng

Có phải bạn muốn tìm về

Tìm kiếm của bạn gần đây

Bạn có thể quan tâm: