Chuyên mục Kỹ năng làm cha mẹ - Giúp con vượt qua thất bại

25/08/2009

Chia sẻ bài viết:

Trẻ em có cần phải đương đầu với thất bại?
Tùy cá tính mà mỗi người sẽ có những kiểu phản ứng khác nhau nhưng thường là tiêu cực khi không đạt được mục tiêu dự định. Từ đó, sinh ra sự không hài lòng, không thỏa mãn, không vui, buồn bực, thất vọng hoặc thậm chí phẫn nộ với bản thân và với những người xung quanh. Nếu không tìm cách thoát khỏi hoàn cảnh thất bại bằng những suy nghĩ theo hướng tích cực, thất bại có thể khiến người ta hao mòn ý chí, suy giảm sự tự tin và có thể mắc bệnh về tâm lý. Vì vậy, các bậc cha mẹ, bên cạnh việc chủ động hình thành cho con trẻ những phẩm chất nhân cách tốt đẹp thì cũng đừng quên lưu ý đến việc giúp con rèn luyện khả năng ứng phó, sức chịu đựng dẻo dai, kỹ năng biết chấp nhận và vượt qua các thất bại.

Giáo dục "thất bại" - hình thành cho con kỹ năng biết chấp nhận và vượt qua thất bại như thế nào?
Mỗi cách ứng xử mà người lớn lựa chọn luôn chứa đựng những tác động giáo dục khác nhau đối với con trẻ. Có lẽ nghệ thuật giáo dục thất bại là hãy để cho trẻ tự đứng dậy và cảm nhận đầy đủ cảm giác đau khi bị té ngã; để cho trẻ tự tranh luận đến cùng và hóa giải các mâu thuẫn với nhau để khi thua trẻ cũng không ấm ức trong lòng; để cho trẻ thắng thua theo đúng luật; để trẻ hiểu: còn có nhiều người giỏi hơn mình thật sự, không chấp nhận cho trẻ phủ nhận người khác ...

Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ hình thành kỹ năng chấp nhận và vượt qua thất bại?
- Trước hết, phải giúp trẻ nhận thức được những trở ngại và thất bại trong cuộc sống, để trẻ có sự chuẩn bị tâm thế, sự định hướng tâm lý phù hợp. Có như vậy, khi gặp thất bại, trẻ mới có thể ứng phó một cách tích cực.
- Dạy cho con trẻ cách nhìn nhận và phân tích thẳng thắn những nguyên nhân dẫn đến thất bại (là do những yếu tố khách quan hay do những nguyên nhân chủ quan). Phân tích kỹ những nguyên nhân thất bại sẽ làm hạn chế tối đa sự suy giảm lòng tự tin ở trẻ, giúp trẻ đối diện với thực tế và có hướng giải quyết, tìm cách vượt qua thất  bại.
- Từ những điều trên, dần dần giúp trẻ kỹ năng tự điều chỉnh khi gặp thất bại, biết sửa đổi mục tiêu, lựa chọn phương hướng phấn đấu mới, giải pháp mới, hoặc kiên trì phấn đấu, nỗ lực ý chí quyết tâm để thành công.
- Hướng dẫn trẻ cách hoạch định mục tiêu cá nhân cho phù hợp với năng lực và phẩm chất của bản thân. 
- Thường xuyên quan tâm theo dõi, khen ngợi kịp thời khi trẻ biết vượt qua thất bại; không ngừng ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ, để tránh cho trẻ sự sợ hãi, sự xấu hổ, sự tự ti...

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không nên tạo cho trẻ một môi trường hoàn toàn thuận lợi hoặc khi vừa gặp khó khăn gì đã vội vàng thay con trẻ ứng phó. Đôi khi cha mẹ cũng phải cố tình tạo ra những khó khăn để thử thách và rèn luyện trẻ. Đặc biệt cần lưu ý rằng, cùng với việc hình thành cho con kỹ năng chấp nhận và vượt qua thất bại, cha mẹ cũng đừng quên rèn cho con khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh trong cuộc sống.

 

Thạc sĩ Lê Thị Linh Trang
(Phụ Nữ TPHCM - ngày 25/8/2009)

Nội dung cần tìm
  • Tất cả
  • Giải pháp bảo hiểm
  • Dịch vụ khách hàng
  • Tin tức
  • Tuyển dụng

Có phải bạn muốn tìm về

Tìm kiếm của bạn gần đây

Bạn có thể quan tâm: