Bài viết tham dự cuộc thi "Trò chuyện với con" - Ba sai rồi…

27/07/2009

Chia sẻ bài viết:

Gập ghềnh bước đường học vấn, con đã vượt qua để hoàn thành bậc phổ thông. Giờ thì ba hiểu nhà mình thiếu thốn mọi bề. Cái gì Su cũng thua em kém bạn, ai mà không tủi? Hình như điều đó làm con ít nói ít cười, cố chịu đựng, có khi dửng dưng trước những lời chê trách. Bao giờ cũng thế, các khoản đóng góp ở trường mình phải cuối cùng mới nộp. Cô thầy thúc hối. Ba chạy vạy, lần lữa. Người chịu đòn tinh thần lại là Su Su. Mỗi lúc lắng lòng nghĩ về ngày tháng cũ, ba rơm rớm… Khổ cho con tôi… 

Mẹ bạo bệnh năm Su học lớp 8. Ba xoay xở chẳng tới đâu, phải cầu cứu nội ngoại mới tạm ổn. Nhưng rồi hai mẹ con phải tạm về quê mấy năm. Gia đình một cảnh hai quê, việc học của con ít nhiều ảnh hưởng. Sau này ba biết hồi ngoài Sịa (thị trấn thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) con phải  phụ việc làm bún với cậu Hào để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Vậy mà thư Su viết chỉ cốt để ba yên lòng: mẹ và con ngoài này đầy đủ, ba cho Ti Ti đi học thêm cho kịp với bạn bè… Ôi, con trai tôi nhỏ tuổi đã biết lo nghĩ đến em gái.

Gia đình sum vầy, mẹ có việc làm, đỡ hơn đôi chút, sai lầm của ba bắt đầu từ đây. Su vốn mê thơ yêu văn, thích các môn khoa học xã hội và nhân văn, có năng khiếu ngoại ngữ. Nhiều điển tích điển cố trong truyện Kiều, những câu từ tiếng Anh khó ba nhiều lần hỏi, con đã trả lời đầy tự tin, chủ động và xác tín. Thế mà cả ba mẹ đều muốn Su phải học ban A - khoa học tự nhiên. Con đã cố làm vui lòng ba mẹ nhưng chẳng thú vị gì. Ba năm miệt mài với toán - lý - hóa, Su ngày càng đuối sức và chẳng tiến bộ hơn chút nào. Điều gì đến đã phải đến, Su Su của chúng tôi thi trượt vào đại học…

Những ngày tiếp đó bao lo âu đè nặng lên vai Su. Mọi thứ như sụp đỗ. Nhìn con ủ rũ, thẩn thờ, biếng ăn lòng ba đau như cắt. Hình như những cô cậu ít nói thường có những  giằng xé nội tâm ghê gớm. Sao mà yên lòng được? Công cha nghĩa mẹ ơn thầy, bạn bè và bao điều khác nữa, ai cũng nói nó giỏi giang chăm chỉ mà sao thế? Ký ức tuổi thơ con, ba nhớ có lần mẹ hỏi: lớn lên con thích nghề gì? Su Su của ba đã hớn hở trả lời: con sẽ tập tễnh viết văn và gởi báo nói về ba mẹ, nói về em Ti Ti, nói về nhà mình nghèo nhưng ấm cúng, biết đùm bọc chia sẻ, nói về “đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”, nói về những con người “sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”… Thế mà ba mẹ có cho con thực hiện mơ ước của mình đâu!

Ba sai rồi… Ba muốn áp đặt con phải là bác sĩ, kỹ sư hay là nhà kinh tế hay là… để khoe với mọi người: con tôi đang ở công ty này kia, lương cao thưởng lớn, con tôi trúng đậm đợt hot bất động sản này, con tôi vừa tậu căn hộ chung cư cao cấp… Ba sợ con phải theo nghề viết văn làm báo nghèo khó, ba sợ con chỉ loay hoay với ngòi bút chân thật ngay thẳng sẽ thiếu hụt cả một đời. Ba quên một điều trọng đại là không ai có quyền cướp đi ước mơ của người khác. Bài học văn chương thuở trước ba vội quên: cụ Đồ Chiểu - nhà thơ mù Nam bộ, một con người mù làm được ba công việc mà bao người sáng mắt ngày ấy khó ai theo kịp, đó là: dạy học - dạy đạo làm người, bốc thuốc chữa bệnh giúp người nghèo khổ và làm thơ yêu nước buổi đầu chống Pháp. Tuyên ngôn nghệ thuật của cụ đã hơn 100 năm vẫn sừng sững treo trên lầu cao: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

 

Lê Quang Kết 

(Phụ Nữ TPHCM Online)
Nội dung cần tìm
  • Tất cả
  • Giải pháp bảo hiểm
  • Dịch vụ khách hàng
  • Tin tức
  • Tuyển dụng

Có phải bạn muốn tìm về

Tìm kiếm của bạn gần đây

Bạn có thể quan tâm: